Tế bào gốc là gì?
Tế bào gốc là gì?
Tế bào gốc là tế bào có khả năng tự đổi mới, tăng sinh và phát triển biệt hóa thành các loại tế bào chuyên biệt để thực hiện chức năng trong một mô cụ thể.
Tế bào gốc có thể được phân lập từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó nguồn tế bào gốc từ máu và mô dây rốn cung cấp một lượng tế bào gốc đáng kể và có nhiều ưu điểm vượt trội. Trường hợp trẻ được lưu trữ tế bào gốc, các tế bào này có thể được nhân nuôi tăng số lượng tế bào để phục vụ cho điều trị. Từ máu dây rốn có thể tách được tế bào gốc tạo máu. Từ mô dây rốn có thể tách được tế bào gốc trung mô. Tế bào gốc tạo máu khi được truyền vào cơ thể qua đường tĩnh mạch sẽ di chuyển đến tủy xương. Tại đây, chúng sẽ tăng sinh và phát triển thành các tế bào máu mới thay thế cho các tế bào cũ bị khiếm khuyết.
Ghép tế bào gốc tạo máu có thể chữa khỏi nhiều bệnh hiểm nghèo liên quan đến hệ tạo máu như đa u tủy xương, ung thư bạch cầu cấp tính, thalassemia,… Còn đối với tế bào gốc trung mô, tiềm năng ứng dụng điều trị nhiều bệnh khác nhau dựa trên hai cơ chế chủ yếu là khả năng biệt hóa thành các tế bào chức năng thay thế các tế bào bị tổn thương và khả năng điều biến miễn dịch. Các thử nghiệm lâm sàng sử dụng tế bào này tập trung vào các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch như Lupus ban đỏ hệ thống (SLE), bệnh ghép chống chủ (GvDH) và một số tổn thương như thoái hóa khớp, các vết thương lâu lành do tiểu đường,….
Tại Việt Nam, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc tạo máu trong y học, điều trị các bệnh lý đã được thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ XX. Gần đây, tế bào gốc trung mô cũng đã được ứng dụng trong điều trị thoái hóa khớp và các thử nghiệm trong điều trị tiểu đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ gan,.…