Nhiễm Clostridium Difficile gây ra bệnh gì?
1. Bạn nhiễm Clostridium Difficile như thế nào?
Kháng sinh thường được dùng để điều trị các trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn. Nhưng ở một số trường hợp, kháng sinh có thể khởi phát tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng gây ra bởi vi khuẩn Clostridium Difficile. Loại vi khuẩn này có thể gây ra bệnh đường ruột, trong đó có viêm đại tràng - một tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng ở đại tràng.
Vi khuẩn Clostridium Difficile thường lây lan nhiều ở các cơ sở y tế, bệnh viện, viện dưỡng lão... là những nơi mà các nhân viên y tế có thể tiếp xúc nhiều nhất với vi khuẩn này, tiếp đó là bệnh nhân hoặc người cư trú trong viện.
Bệnh nhân có thể nhiễm Clostridium Difficile nếu tiếp xúc trực tiếp với áo quần, chăn hoặc bề mặt có dính phân của người bệnh nhiễm bệnh, sau đó vô tình đưa những vi khuẩn này vào cơ thể qua đường miệng hoặc mũi.
2. Đối tượng có nguy cơ nhiễm Clostridium Difficile:
Đối tượng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Clostridium Difficile cao nhất là những người cao tuổi đang ở tại các cơ sở chăm sóc y tế, nhất là những người đang điều trị kháng sinh. Nguyên nhân là do cơ thể người có hàng ngàn loại vi khuẩn khác nhau (bao gồm cả loại có lợi và có hại), nếu kháng sinh tiêu diệt đủ lượng vi khuẩn có lợi thì có nguy cơ làm phát triển khuẩn Clostridium Difficile mất kiểm soát và gây bệnh.
Bên cạnh đó vẫn có cả những người trẻ bị nhiễm Clostridium Difficile kể cả khi không dùng kháng sinh hay điều trị ở những trung tâm y tế. Việc không rửa tay kỹ sau khi phơi nhiễm với vi khuẩn cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.
Những bệnh nhân đang mắc các bệnh lý như: Ung thư đại tràng, viêm ruột, suy giảm hệ miễn dịch do điều trị ung thư... cũng có nguy cơ nhiễm Clostridium Difficile cao hơn.
3. Triệu chứng nhiễm Clostridium Difficile
Đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, đau quặn bụng là một trong những triệu chứng điển hình của nhiễm Clostridium Difficile. Phân cũng có thể có lẫn máu nếu bị nhiễm trùng nặng.
Các triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng nặng bao gồm:
- Tiêu chảy thường xuyên và có nước, hoặc đôi khi lẫn máu.
- Sốt;
- Chuột rút;
- Nôn và buồn nôn;
- Sụt cân/ Chán ăn;
- Mất nước;
- Nhịp tim nhanh;
- Đau quặn bụng;
- Bụng hơi mềm.
Triệu chứng tiêu chảy do Clostridium Difficile thường bắt đầu từ 5-10 ngày sau khi bắt đầu dùng kháng sinh. Nhưng cũng có thể xảy ra vào ngày đầu tiên hoặc tối đa sau 2 tháng. Nếu tiêu chảy xảy ra nhiều hơn 3 lần/ ngày và kéo dài hơn 2 ngày thì người bệnh nên đến bệnh viện để thăm khám cụ thể.
Nếu không điều trị nhiễm trùng Clostridium Difficile sớm, người bệnh có thể bị mất nước do tiêu chảy nghiêm trọng. Việc mất thể tích dịch có thể ảnh hưởng đến huyết áp, chức năng thận và tình trạng chung của cơ thể.
Trong trường hợp rất hiếm, nhiễm trùng do Clostridium Difficile có thể dẫn đến phình đại tràng nhiễm độc và thủng ruột:
- Phình đại tràng nhiễm độc là tình trạng đại tràng không thể đào thải hơi hoặc phân, càng ngày càng phình to hơn và vỡ. Nếu không phẫu thuật cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
- Thủng ruột là tình trạng ruột già bị thủng làm các vi khuẩn gây hại thoát khỏi đại tràng, gây ra tình trạng nhiễm trùng nguy hiểm hơn là viêm phúc mạc.
5. Làm sao để chẩn đoán nhiễm Clostridium Difficile?
Để chẩn đoán xem bạn có nhiễm Clostridium Difficile hay không, bác sĩ có thể sẽ đề nghị một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm ELISA (Enzyme immunoassay);
- Xét nghiệm PCR (Polemerase Chain Reaction - phản ứng chuỗi polymerase);
- GDH/EIA;
Nếu nghi ngờ đại tràng của người bệnh có vấn đề nghiêm trọng, bác sĩ có thể sẽ đề nghị chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp đại tràng.
6. Điều trị nhiễm Clostridium Difficile như thế nào?
Mặc dù tình trạng nhiễm trùng Clostridium Difficile khởi phát do kháng sinh, nhưng một số loại kháng sinh khác vẫn có thể hỗ trợ tiêu diệt loại vi khuẩn này. Chúng bao gồm: Metronidazole; Vancomycin; Fidaxomicin. Tuy nhiên người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ, đồng thời trao đổi kĩ về tác dụng phụ của các loại thuốc này.
Đôi khi nhiễm Clostridium Difficile có thể tái phát. Khi đó, bác sĩ có thể sẽ đề nghị điều trị bằng cách tái lập môi trường vi sinh vật trong đại tràng bằng các các vi khuẩn khỏe mạnh. Việc này được thực hiện bằng cách đưa phân của người khác vào đại tràng của người bệnh qua nội soi đại tràng hoặc qua đường mũi - dạ dày. Những người hiến phân được tầm soát cẩn thận để chắc chắn không bị nhiễm trùng hoặc ký sinh trùng.
7. Có thể dự phòng nhiễm Clostridium Difficile bằng cách nào?
Nếu đang ở bệnh viện hoặc điều trị lâu dài ở các cơ sở y tế, người bệnh có thể tự bảo vệ mình khỏi nhiễm Clostridium Difficile bằng nhiều cách. Ví dụ:
- Đề nghị người chăm sóc rửa tay kỹ trước và sau khi chăm sóc bạn;
- Đề nghị khử trùng tất cả thiết bị y tế trước khi mang vào phòng;
- Rửa tay với xà phòng và nước sau khi đi toilet và trước khi ăn.